Thập Giới

Cuộc đời con người được xoay quanh những mối tương quan. Chúng ta biết tới các mối tương quan ấy không chỉ là với chính mình khi con người đơn độc hay với tha nhân khi chúng ta thuộc về xã hội, nhưng tương quan ấy còn là với thần linh nơi sâu thẳm tâm hồn mình. Con người có tính xã hội và sống trong xã hội, vì thế cần có những luật lệ để duy trì trật tự của xã hội và để nối kết con người trong tình liên đới nhân loại. Mỗi quốc gia hay cộng đồng nhân loại nào cũng có những lề luật cho riêng mình, nhưng tựu chung lại mọi lề luật đều nhằm làm thăng tiến đời sống con người và phục vụ con người. Giáo hội Chúa Kitô nói chung và dân tộc Do Thái nói riêng cũng có những lề luật căn bản để quy ước những hoạt động trong xã hội, nhưng đối với họ lề luật ấy không phải do con người đặt ra nhưng là thứ luật lệ đến từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa thiết định và ban tặng để duy trì và đảm bảo trật tự trong đời sống con người. Trong bài này, chúng ta tìm hiểu về Thập giới (Mười Điều răn) một cách tổng quát để biết được tầm quan trọng của nó và tìm kiếm một thái độ đáp trả đối với luật được Thiên Chúa ghi tạc trong con người.

Kinh Thánh Cựu ước nói rất rõ về trình tự của giao ước Xinai mà dân Do Thái đã kí kết với Thiên Chúa. Sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, người Do Thái đi đến núi Xinai và bắt đầu mừng ngày lễ Năm mươi (ngũ tuần), toàn dân và các tư tế ở dưới núi trong khi Môsê lên núi để gặp gỡ Đức Chúa. Ngay tại đây, Thiên Chúa ban cho ông lề luật được chính Ngài ghi tạc trên hai bia đá; cũng tại đây dân chúng được kí kết với Thiên Chúa một giao ước nền tảng, đối với người Do Thái giao ước Xinai là giao ước tâm điểm của lịch sử cứu độ dân tộc mình và là một biến cố quan trọng. Với việc máu của tế vật được rảy trên dân chúng và một nửa rảy trên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa, giao ước được kí kết bằng máu là nguyên ủy của sự sống và là dấu chứng biểu lộ lòng trung thành trong việc tuân giữ giao ước. Hai bia đá lề luật được trao ban như những điều luật của giao ước nhằm thiết định những điều khoản phải tuân theo của cả hai bên: Thiên Chúa và con người. Như vậy, Thập giới là lề luật nhưng không phải thứ lề luật khởi đi từ con người theo nghĩa do con người đặt ra, nhưng là lề luật bắt nguồn từ Thiên Chúa và được chính Ngài trao ban qua một cuộc gặp gỡ để đảm bảo một mối tương giao. Nhưng chúng ta sẽ không thể hiểu được Thập giới nếu Thập giới bị đặt ra ngoài giao ước, hay Thập giới chỉ mang trọn vẹn ý nghĩa của nó khi được gắn liền với giao ước đã được kí kết. Giao ước được hiểu như một bản giao kèo của hai bên, hai đối tượng độc lập và bình đẳng với nhau nhưng đồng thời lại gắn bó với nhau. Các điều khoản trong giao ước không phải là gánh nặng cho hai bên nhưng là điều mà cả hai bên thuận tình chấp nhận mà kết ước với nhau. Ngày hôm nay, chúng ta nói đến hôn nhân như một giao ước song phương của hai người nam, nữ; trong giao ước ấy, hai người nam, nữ bình đẳng với nhau và kí kết với nhau một giao ước yêu thương và bền vững. Luật yêu thương trong giao ước hôn nhân không phải là một gánh nặng của hai người nhưng là cùng đích, bởi chính vì lý do ấy mà họ đến với nhau và kí kết giao ước hôn nhân với nhau. Chính vì vậy, Thập giới cũng phải hiểu đi liền với giao ước hay Thập giới không phải là một gánh nặng nhưng là một thỏa thuận mà cả hai bên thuận tình kí kết. Trong giao ước Xinai, Thiên Chúa và con người bình đẳng với nhau trong việc thực hiện giao ước và cả trong việc tuân giữ lề luật. Chúng ta gọi Thập giới là Mời điều răn, Mười điều luật nhưng đúng hơn phải gọi là mười điều giao ước, mười điều thuận nhận để được đi vào tương quan với Thiên Chúa và con người. Thập giới trở thành lời kêu mời con người tuân giữ để lưu giữ một trật tự nơi chính mình hơn là lề luật đòi buộc con người để rồi gây những xáo trộn trong cuộc sống.

Thập giới có một vị trí quan trọng trong truyền thống Giáo hội, giáo lý của Giáo hội coi việc dạy giáo lý về Thập giới như những quy định căn bản để đào tạo lương tâm con người cùng thăng tiến đời sống đức tin của mình. Hai tấm bia đá khắc ghi mười điều luật của Thiên Chúa, nhằm khắc ghi trong chính con người những điều luật nền tảng của con người cần có để tồn tại và sống trong phẩm giá của một con người. Thập giới chia làm hai phần chủ yếu, ba giới răn đầu được khắc ghi trên một tảng đá quy định những điều luật mà con người phải tuân giữ để củng cố mối tương quan với Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sabath, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabath kính  Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabath và coi đó là ngày thánh”[1]. Đây là những giới răn quan trọng nhất không chỉ vì tính khẩn thiết của nó nhưng vì nó quy định những luật liên quan đến bổn phận của con người với Thiên Chúa. Bởi sâu xa nơi con người luôn kiếm tìm Thiên Chúa và vì thế mối tương quan sâu xa nhất cũng phải là mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Chỉ khi con người thực hành những giới răn ấy cách cẩn thận và trung thành, con người mới có thể bảo toàn được tương quan của mình với Đức Chúa là Thiên Chúa của mình. Không những vậy, nhờ việc củng cố chính mình trong Thiên Chúa mà con người tìm được mình và ý thức được địa vị của mình trong xã hội. Bảy giới răn sau được khắc trên một bia đá quy định những điều lệ liên quan tới tương giao của con người với con người: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”[2]. Con người không chỉ hiện hữu với Thiên Chúa nhưng còn là sống với nhau và cho nhau nữa. Nói cách khác, con người sống trong thế giới và cần sống cùng tha nhân để qua họ mà tìm biết về chính mình. Bảy giới răn sau này được thiết định để bảm đảm cho một trật tự của con người với con người nhằm thăng tiến mối tương quan của con người trong chính mình và với tha nhân.

Thập giới được chính Thiên Chúa ban tặng và là thiên luật được Thiên Chúa khắc ghi trong chính con người và trong xã hội để đời sống con người được ổn định và giữ trật tự xã hội. Chúng ta nói là luật bởi vậy tự nó luôn mang tính gò bó và ép buộc, nhưng thực chất Thập giới chính là luật tự nhiên, là những điều cốt yếu, căn bản phải tuân giữ để có thể sống trong xã hội con người và để thành người. Đồng thời Thập giới cũng chính là nền tảng của mọi thứ dân luật của các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Tại bất cứ dân tộc nào hay quốc gia nào, việc thảo kính cha mẹ luôn được đặt làm lề luật, hành động giết người luôn bị lên án, loạn luân hay những hành vi rối loạn tính dục luôn xấu xa, gian dối bị thanh trừ và công bình xã hội được thúc đẩy, xây dựng. Tất cả những điều đó đều được Thập giới nhắc đến như lề luật đến từ Thiên Chúa nhưng cũng là luật nền tảng ngay trong đáy lòng con người cần tuân giữ. Thập giới được chính Thiên Chúa khắc ghi vào hai bia đá, nhưng hơn thế nữa Thập giới cũng được chính Thiên Chúa khắc ghi vào đáy lòng mỗi con người chúng ta để con người được sống cho thành người. Chính vì điều này mà trong con người có một sự thôi thúc phải tuân giữ và thi hành cách chu toàn những điều luật ấy như một nhiệm vụ nhưng cũng là một nhu cầu của cuộc sống.

Người thanh niên đến với Đức Giêsu và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”? và Đức Giêsu đã đưa anh một câu trả lời rất căn bản, Ngài gợi lên cho anh không phải 613 điều luật của người Do Thái nhưng là những điều căn bản trong Thập giới: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình”[3]. Người thanh niên vui vẻ trả lời rằng chính anh đã tuân giữ tất cả những điều đó từ khi còn thơ bé. Nhưng tất cả những điều này nhằm ổn định mối tương quan của con người với chính mình, tăng cường và bảo đảm mối tương quan của con người với tha nhân. Nhưng Đức Giêsu lại muốn anh đi cao hơn và kiện toàn Thập giới trong việc thi hành ý Thiên Chúa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”[4]. Đức Giêsu muốn anh thay vì tiền bạc hãy bỏ nó và theo Ngài mà kiếm tìm Thiên Chúa. Thập giới không chỉ được ghi trên một bia đá nhưng là trên hai bia đá, không chỉ có lề luật tương quan con người với con người nhưng có cả những lề luật trong tương quan con người với Thiên Chúa, tương quan với Thiên Chúa cần được đặt làm nền tảng của mọi mối tương quan khác. Con người chúng ta muốn giản lược luật lệ trong những điều cốt yếu nhất. Vị luật sĩ cũng đến với Đức Giêsu để hỏi về những điều quan trọng nhất trong lề luật, Đức Giêsu đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”[5]. Quả thực, Thập giới cũng được tóm gọn trong hai giới răn đó: mến Chúa và yêu người.

Lề luật được đặt ra để duy trì và bảo đảm một trật tự trong thế giới và trong chính nội tại con người. Thập giới được chính Thiên Chúa thiết định nhằm giúp cho con người sống là người và nên người trong xã hội, đồng thời nhờ thi hành những giới luật ấy mà con người được thăng tiến chính mình. Thế nhưng Thập giới chỉ được hiểu cách đúng đắn và trọn vẹn khi gắn liền với giao ước Xinai, giao ước Thiên Chúa kí kết với dân của Ngài. Vì thế, việc thực hành Thập giới trong đời sống là dấu chứng của sự trung tín nơi con người và là sự đáp trả mà Thiên Chúa thực hiện trong thế giới. Đức Giêsu đến ban cho con người một giao ước mới trong yêu thương và hy tế của Ngài. Ngài ban cho con người một điều răn, một giới luật mới là yêu thương như thánh Phaolô nói: “yêu thương là chu toàn lề luật”[6].

Mục Đồng Nguyễn

[1] Xh 20,2-11

[2] Xh 20,12-17

[3] Mt 19,16-19

[4] Mt 19,21

[5] Mt 22, 37-40

[6] Rm 13,10