Tài liệu hội thánh Giuse tháng 05 năm 2018: Tháng Đức Mẹ

HỘI GIUSE THÁNG 05-2018 – THÁNG ĐỨC MẸ

– Khai mạc như thường lệ.

Tài Liệu hội thánh Giuse tháng 05 năm 2018 (pdf)

I – LỜI CHÚA: Đọc Phúc Âm: Mt 16, 15-20

II- SUY NIỆM: SỐNG HƯỚNG VỀ NƯỚC TRỜI TRONG CHÚA KITÔ

1- Chúa Giêsu lên trời nghĩa là thế nào?

Là con người sống trong không gian và thời gian, chúng ta thường suy nghĩ và tưởng tượng theo hướng của không gian và thời gian. Vì thế, khi Kinh Thánh nói “Chúa Giêsu lên trời” chúng ta cũng dễ hình dung Chúa Giêsu như một “phi hành gia” hoặc như một “siêu nhân” tự động cất bổng mình lên trời, để rồi không biết dừng lại ở hành tinh nào khi ra ngoài quỹ đạo của trái đất? Có một phi hành gia vô thần hiểu khái niệm “Trời” và “Thiên Đàng” như thế, nên đã phát biểu một câu không coi các tôn giáo là gì, rằng: Tôi đã bay vòng quanh khắp vũ trụ mà chẳng thấy Trời cũng chẳng thấy Chúa nào cả. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, sự thật không phải như thế. Vậy thì sau khi sống lại 40 ngày, Chúa Giêsu đi về phương trời nào?

Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói bình dân của Kinh Thánh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Câu chuyện Chúa lên trời được sách Công vụ Tông đồ kể lại ở chính ngày lễ là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm của Chúa Kitô Phục Sinh. Cũng giống như kiểu nói: Mặt trời mọc, mặt trời lặn… thực ra, theo khoa học thì mặt trời đâu có lặn đâu có mọc.

Đối với Đức Giêsu, ngay sau khi được Phục Sinh, nhân tính của Ngài đã được tôn vinh rồi, hay nói cách khác, Ngài đã được vào trong vinh quang. Chúa Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ dưới dáng dấp của một người bình thường. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu đánh dấu một bước chuyển mới. Từ đó nhân tính của Ngài được đưa vào trong vinh quang Chúa Cha, được ở bên hữu Chúa Cha.

Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan với Ngài. Chúa về trời là để có thể ở lại với mọi thời, mọi nơi. Điều duy nhất mất đi là chúng ta không còn có thể thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn được gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Tin Mừng hôm nay cho thấy các tông đồ có cảm nghiệm rằng “Chúa đang làm việc với họ và xác nhận lời họ rao giảng bằng những dấu lạ kèm theo” (Mc 16,20). Như thế sự vắng mặt hữu hình của Chúa Giêsu không cản trở việc Ngài tiếp tục hiện diện và hoạt động bên họ. Kitô giáo sống còn chính là nhờ Chúa Giêsu đang sống và hoạt động nhờ Thánh Thần của Ngài.

2- Chúa lên trời, niềm hy vọng cao cả cho chúng ta.

Chúa lên trời là một biến cố thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Bởi vì, Trời là đích điểm của đời Kitô hữu; là nơi, điểm hẹn gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, hoàn toàn không phụ thuộc vào thời gian và không gian. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, người Anh Trưởng đã khải hoàn tiến vào thiên quốc, thì chúng ta là những người em, sớm muộn cũng được cùng hưởng phúc vinh với Ngài.

Không những thế, việc Đức Giêsu về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha còn để dọn chỗ, ban ơn cho chúng ta. Ngài chính là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.

Chúa lên trời nhắc chúng ta nhớ rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời… Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời” (Pl 3,20; Cl 3,1). Với niềm xác tín đó, chúng ta thi hành và chu toàn một cách tốt nhất những nghĩa vụ ở trần gian trong niềm hy vọng tiến về quê trời. Hãy thực hành Phúc thật tám mối, Thương người có mười bốn mối… Cũng như lời bài hát: “Vì ngày mai con lo hôm nay, vì tương lai con lo hiện tại…”. Hãy luôn ý thức và sống như vậy, chúng ta sẽ thấy cuộc sống nơi trần thế tốt đẹp biết bao.

* Gợi ý chia sẻ:

1- Ta sẽ làm những gì cụ thể để hy vọng hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Chúa? – Hãy chu toàn: – Bổn phận thờ phượng – Giới răn Chúa và Giáo hội – bổn phận của người gia trưởng – gương mẫu trong gia đình – giữ các quy định trong Hội Giuse.

2- “Hãy rảo giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo!”: Hãy kể một số chứng nhân hoặc những việc mà ta đã làm sẽ làm để làm chứng cho Chúa và Giáo Hội.

* Cầu nguyện chung: (đứng hoặc quỳ) Lạy Chúa Giêsu,/ Chúa đã yêu trần gian này/, và đã sống trọn thân phận con người ở đó/. Chúa đã trải nghiệm nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của thân phận loài người./ Xin cho những vất vả cực nhọc của cuộc sống ở đời này/ không làm cho chúng con quên đi sự cao cả trên trời/; và những vẻ đẹp của trần gian không cản bước chân chúng con tiến về với Chúa/. Chúng con cầu xin,/ Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời./ Amen.

III- HỌC TẬP: XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THÀNH CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN.

Cầu nguyện là việc làm đạo đức biểu lộ tính tôn giáo. Cầu nguyện hiện hữu trong trung tâm của các tôn giáo và Kitô giáo. Vì thế, con người được định nghĩa là loài biết cầu nguyện “homo orans”, có khả năng tôn thờ Thiên Chúa, lắng nghe, đáp lại lời Thiên Chúa để tìm ra ý nghĩa hiện hữu của mình. Không cầu nguyện, con người không thể đạt tới chân lý, khám phá ra căn tính của mình. Sự hiện hữu của chúng ta là một hồng ân.

Đặc tính của cuộc sống chính là đặc tính của những tương quan giữa người với người. Đời sống Kitô hữu tạo nên những tương quan bằng lời cầu nguyện. Cách sống của ta giúp ta tìm gặp được Thiên Chúa. Một đời sống không cầu nguyện dễ trở thành vô luân. Cầu nguyện như một chiều kích cơ bản của cuộc sống. (tiếp lần sau).

III- CẦU CHO CÁC THÀNH VIÊN HỘI GIUSE MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Nguyễn Đình Su – giáo xứ Đại Điền

2- Giuse Nguyễn Văn Tân – giáo xứ Đại Điền

3- Vixentê Nguyễn Văn Đề – Ngọc Bảo – Hữu Bằng

4- Giuse Nguyễn Văn Hòa – Trung Lương – Lập Trí

5- Vixentê Đặng Văn Viên – Mai Thượng – Ngọ Xá

6- Giuse Hoàng Ngọc Việt – Tân An

7- Giuse Vũ Văn Dậu – Yên Cư – Đại Từ

8- Đaminh Nguyễn Văn Độ – Xuân Hòa

9- Giuse Trần Văn Hào – Vinh Tiến

10- Giuse Trần Văn Biên – Vinh Tiến

11- Phêrô Nguyễn Văn Tiếp – Nhã Lộng

12- Đaminh Nguyễn Văn Lệ – Hương La – Tử Nê

13- Giuse Nguyễn Văn Khanh – Xạ Hương – Vân Cương

14- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Ngự – Bến Xây – Phúc Yên

15- Phêrô Dương Đức Tuyền – Nhà xứ Thái Nguyên

16- Phêrô Đinh Huy Sự – Tam Giang – Thái Nguyên

17- Tôma Nguyễn Văn Linh – Đại Lợi – Phúc Yên

18- Giuse Hoàng Văn Vân – Đồng Chương

Đặc trách Hội Giuse GP. Bắc Ninh

Lm. Fx. Nguyễn Văn Huân