Ngày 1/11: Thánh Giêrôm Hermosilla Liêm (Vọng) – Giám mục (1800-1861), tử đạo

Hồi ấy vào thời vua Minh Mệnh cấm đạo gay gắt, các linh mục ngoại quốc và bản quốc đã bị bắt hầu hết, ở ba địa phận do các Cha dòng Thánh Đa-minh coi sóc, lúc ấy chỉ có Đức cha Đen-ga-đô[1] (Y), Đức cha He-na-rét[2] (Minh) và Cha Chính Phéc-năng-đê[3] (Hiền) còn trốn thoát. Giáo dân tan tác. Đang lúc mọi người lo cho số phận ngày mai, thì nhận được tin vui, có một thuyền từ Ma-Cao vừa cập bến, mang đến cho Giáo Hội Việt Nam bốn nhà truyền giáo, ba cha người Pháp, một người Tây Ban Nha là Cha Giê-rôm Héc-mô-di-la mà người ta đặt tên Việt Nam cho Người là “Vọng” để tỏ lòng mong đợi của cả giáo đoàn, sau mới đổi tên là Liêm. Nhà truyền giáo này đã góp phần xương máu để gây dựng Giáo Hội Việt Nam.

Ơn kêu gọi và những thử thách

Cậu Giê-rôm Héc-mô-di-la sinh ngày 30-12-1800 ở làng Săng-tô Đô-manh-gô đơ la Can-da-đa (Sang-tô Domingo de la Calzada) nước Tây Ban Nha trong một gia đình trung lưu. Cha cậu là ông Au-gu-ti-nô và mẹ cậu là Ca-ta-ri-na Héc-mô-di-la là những người đạo đức chân thành, coi con như hạt ngọc Chúa ban, nên ông bà kiên tâm giáo dục con, cả về học vấn lẫn tu đức nhờ sự săn sóc chu đáo này và với bầu không khí đầm ấm vui tươi trong gia đình, cậu Giê-rôm như một hạt giống được gieo trong mảnh đất phì nhiêu mỗi ngày một lớn lên xanh tươi.

Năm cậu mười hai tuổi cha mẹ gửi cậu cho một Cha dòng Thánh Bê-nê-đi-tô (Bénédictin) coi sóc dạy dỗ. Sau một thời gian sống ở đây, cậu có ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong dòng này. Nhưng ý Chúa lại khác. Hồi ấy Cha Vê-rê-mun-đô dòng Thánh Bé-nê-đi tô được chọn làm Giám mục địa phận Va-len-xi-a (Valentia), thấy cậu Giê-rôm thông minh đạo đức nên đưa cậu đi theo để dạy dỗ và cho cậu đi ở tiểu chủng viện địa phận của người. Chúa đã dẫn tông đồ tương lai của Chúa vào con đường Chúa tiền định. Chủng viện này do các Cha dòng Thánh Đa-minh điều khiển. Khi đã tìm hiểu hiến pháp dòng và tiểu sử Thánh Tổ Phụ Đa-minh, cậu thay đổi ý định trước và xin vào dòng này, năm 19 tuổi cậu mặc áo dòng.

Nhưng rồi đây những thử thách nặng nề Chúa gửi đến để luyện lọc thày. Nước Tây Ban Nha phải trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Một đảng phái nổi lên chống chính quyền, lật đổ nhà vua và Giáo Hội, nhiều thánh đường, tu viện phải đóng cửa hoặc giải tán.

Tu viện Thánh Đa-minh ở Va-len-xi-a là nơi Thày đang ở tạm giải tán. Thày buồn rầu ra về. Đến quê nhà, Thày nhận được lệnh tòng quân, như tiếng sét đánh, vì Thày quan niệm đời sống quân đội rất nguy hiểm cho ơn kêu gọi tu trì. Nhưng đúng như lời Thánh Phao-lô đã nói; “Mọi sự đều trở nên lợi ích cho những kẻ thành tâm mến Chúa”.

Rồi tình hình trong nước mau chóng trở lại bình an, Giáo Hội Tây Ban Nha được tu bổ lại và xây dựng thêm.

Thày Giê-rôm giải ngũ và hân hoan trở về tu viện. Ở đây Thày lại gặp các chướng ngại khác. Nhà dòng không bằng lòng nhận Thày nữa, vì cho rằng một thanh niên đã sống đời người lính, không thể không nhiễm những thói xấu nên không xứng đáng vào hàng giáo phẩm.

Trước sự từ chối này, Thày Giê-rôm buồn rầu nhưng không ngã lòng, Thày xin Chúa là Đấng đã gìn giữ Thày trong trắng giữa những ngày cheo leo ở quân đội lo liệu cho mình. Thày đến nhà dòng xin xét lại trường hợp của mình, sau nhiều ngày điều tra, Thày được trở về nhà dòng, tâm hồn Thày giờ đây càng rộng mở để đón muôn ngàn hồng ân.

Lời kêu gọi truyền giáo

Ngày 19-10-1813, Thày Giê-rôm khấn trọng thể và thày dọn mình chịu chức linh mục. Sau khi chịu chức sáu, Thày Giê-rôm được biết Cha Bề trên tỉnh dòng Phi Luật Tân kêu gọi các tu sĩ sang giúp việc truyền giáo bên Phương Đông vì ở đây “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì hiếm”.

Người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi này là Thày Giê-rôm, dù Thày chưa chịu chức linh mục nhưng vì Thày tha thiết xin, nên Bề trên bằng lòng. Ngày 28-10-1824, Thày và 11 tu sĩ tình nguyện đến cửa bể Ca-đi (Cadiz). Họ là các tu sĩ trẻ tuổi hiên ngang ra đi, bỏ quê hương xứ sở, cha mẹ họ hàng thân yêu để đến những nơi mà họ biết trước sẽ phải sống cuộc đời gian lao và vả và cầm chắc cái chết trong tay.

Sáng sớm ngày 2-3-1825, một chiếc tàu từ cửa biển Ca-đi rẽ sóng ra khơi đem theo 12 chiến sĩ Đức Tin đến cánh đồng truyền giáo Đông Phương. Sau 5 tháng lênh đênh trên biển cả, trải qua những cơn giông tố phũ phàng, họ mới đến tỉnh dòng Ma-ni-la ở Phi Luật Tân.

Thày Giê-rôm dọn mình chịu chức linh mục, rồi được cử điều khiển hội Mân Côi ở nhà thờ dòng Thánh Đa-minh. Trong hai năm hoạt động. Cha xứng đáng là “Tông Đồ của Đức Mẹ”, nhiệt thành truyền bá việc lần hạt và cổ động được nhiều hội viên.

Nhưng Cha vẫn mơ ước được đến truyền giáo ở nơi giáo dân đang bị bách hại. Đêm ngày Cha hằng cầu xin Chúa ơn ấy, Chúa đã nhận lời. Ngày 23-10-1828 Cha Bề Trên cử Cha sang Việt Nam. Cha bỏ Ma-ni-la đến Ma-cao, rồi từ Ma-cao, Cha cùng với ba giáo sĩ người Pháp xuống thuyền của người Trung Hoa để đến Việt Nam.

Những bước gian nan

Vừa đặt chân lên đất Việt, Cha được đặt tên là “Vọng” để nói lên nỗi niềm vui mừng của địa phận đang mong đợi nhà truyền giáo, vì địa phận thuộc dòng Thánh Đa-minh coi sóc vào quãng hai năm 1830-1832, người đông, đất rộng mà chỉ còn hai Đức Cha là Đức Cha Đen-ga-đô, Đức Cha Hê-na-rét và Cha Chính Phéc-năng-đê, nhưng các ngài đã cao tuổi chỉ trốn ẩn dưới hầm, mình Cha Giê-rôm xông pha khắp nơi, gian lao vất vả, bữa đói bữa no, có khi Cha mất ngủ cả đêm vì quan quân đuổi bắt, Cha còn kiêm chức “Cha Chính” địa phận nên không được nghỉ ngơi lúc nào.

Đức Cha Giu-se Săng-giuýc-đô[4] (An) tử đạo nói: “Cha Vọng là một đấng anh hùng, người một mình chèo chống trong cơn giông tố, người là giường cột chống đỡ tòa nhà địa phận trong thời buổi cheo leo”.

Năm 1836, vua Minh Mệnh lại ra sắc chỉ trừng phạt những quan không tuân hành các sắc chỉ cấm đạo đã ban bố. Tuần phủ Hưng Yên phải cách chức, Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh bị gọi về kinh và phải khiển trách nặng lời.

Ông Trịnh Quang Khanh ôm hận trở về, trước kia ông đã có tiếng tàn bạo, nay lại càng trở nên tàn bạo hơn, ông tung người đi do thám khắp nơi, nhưng dù đã bày mọi mưu mô vẫn chưa bắt được đạo trưởng nào.

Cho đến một hôm 6 lá thư của Cha Giu-se Đặng Đình Viên gửi cho hai Đức Cha Đen-ga-đô, Hê-na-rét, Cha Chính Phéc-năng-đê, Cha Giê-rôm (Vọng) và hai linh mục Việt Nam lọt vào tay quan Trịnh Quang Khanh với cả thày giảng chuyển những thư ấy. Ông truyền giải thày này và các tang vật vào kinh. Ngày 25 5-1838, vua Minh Mệnh truyền cho ông phải thẳng tay đàn áp đạo Gia-tô và cho hạn một tháng phải bắt hết các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Việt Nam, nếu không sẽ bị nghiêm trị. Vua còn cử quan Lê Văn Đức ra giúp quan Tổng Đốc Nam Định và cấp thêm 2000 quân triều đình phối hợp với 6000 quân đội địa phương để thi hành mệnh lệnh.

Ngày 28-5-1838 Đức Cha Đen-ga-đô bị bắt, ngày 11-6 đến lượt Đức Cha Hê-na-rét và ngày 29 tháng ấy Cha Chính Phéc-năng-đê cũng sa lưới.

Quan Trịnh Quang Khanh báo cáo về kinh rằng: “Trong 4 Tây dương đạo trưởng đã bắt được 3 chỉ còn tên Trùm Vọng thần xin đức vua cho thêm một thời hạn nữa, sẽ xin bắt nộp sau”.

Bàn tay Chúa quan phòng

Trong khi địa phận phải giông tố phũ phàng, giáo dân lo âu tan tác, Cha Giê-rôm là người duy nhất đem sức mạnh và nguồn an ủi đến cho họ. Cha có biệt tài trốn tránh và nhiều lần bàn tay Chúa quan phòng đã gìn giữ Cha cách lạ lùng.

Một hôm Cha đang ẩn ở làng Xuân Sơn xứ Liễu Đình thì lính ập tới. Một người xông vào phòng trông thấy Cha, người ấy quay ra hô hoán gọi thêm đồ bạn. Cha Giê-rôm bình tĩnh cầu nguyện và phó mình cho Chúa. Cả toán lính kéo vào, nhưng lạ thay, cả bọn không trông thấy ai, chúng hoảng sợ chạy ùa ra ngoài, gặp một người rậm râu chúng tưởng là Cha, bắt trói ngay; nhưng khi tra hỏi, biết là nhầm, chúng giận dữ chửi bới, lại trở vào bắt Cha, nhưng Cha đã cao chạy xa bay.

Một lần có tin mật báo, Cha Giê-rôm trốn ở xóm chài gần bờ biển, quan Trịnh Quang Khanh huy động hai chiến thuyền lớn, 12 thuyền nhỏ, chặn đường ngoài khơi, còn đích thân ông dẫn 800 bộ binh kéo đến xóm này. Nhưng lạ thay, trời đang quang đãng bỗng nổi cơn giống tố, và tiếp đó là trận mưa như trút nước, sấm sét kinh hồn, hai chiến thuyền đắm, 12 thuyền nhỏ trôi dạt rất xa, bộ binh bị sét đánh tơi bời, những người lính sống sót thì mạnh ai người nấy chạy. Ông Trịnh Quang Khanh phải một phen kinh hoàng đành rút quân về. Ông phải xin vua đại xá. Vua Minh Mệnh khoan hồng và cho hoãn một thời gian nữa.

Ngày 18-1-1839, vua lại ra một chiếu chỉ khác tróc nã Cha Giê-rôm: “Tên Trùm Vọng (Giê-rôm) là đạo trưởng hiện nay trốn ở Bắc Việt. Ai bắt được tên này sẽ được thưởng một vạn quan tiền. Ta tả hình dung nó ra đây cho mọi người dễ nhận: Trùm Vọng, người hơi cao, mập mạp, mũi dài, râu rậm, mắt sáng hơi xam xám, da trắng, gương mặt béo tốt. Tên Tây là Giê-rôm.

“Ai bắt được, nếu là các quan thì ngoài số tiền thưởng còn được thăng chức.

“Ai chứa đạo trưởng này, hoặc biết mà không tố giác sẽ bị nghiêm trị”.

Chiếu chỉ nói lên lòng căm phẫn của vua Minh Mệnh đối với Cha Giê-rôm.

Gánh nặng Giám mục

Đức Thánh Cha Gơ-rê-gô-ri-ô XVI (Grégoire XVI) thông cảm nỗi đau khổ của giáo hữu Việt Nam đang bị bách hại, thiếu các chủ chăn, ngày 22-8-1848, Đức Thánh chọn Cha Rơ-to[5] (Liêu) là Giám mục địa phận Tây và Cha Giê-rôm làm Giám mục địa phận Đông thay thế cho các Đức Giám mục mới bị vua Minh Mệnh giết.

Cha Rơ-to trốn sang Ma-ni-la chịu chức, còn Cha Giê-rôm bị tầm nã ráo riết phải chờ khi Đức Cha Rơ-to trở về.

Hồi ấy từ địa phận Đông sang địa phận Tây tuy không xa, nhưng đường xá lưu thông không thuận lợi, có nhiều sự hiểm nghèo, lại đang thời cấm cách, khắp nơi có quân canh phòng nghiêm ngặt, nên cuộc hành trình của Cha Giê-rôm vất vả gian nan.

Cha phải đi ban đêm, đi một quãng ngắn phải tìm nơi ẩn. Không những tránh lính canh mà còn phải giữ cả với dân chúng.

Đến gần làng Phúc Nhạc là nơi Đức Cha Rơ-to ẩn, phải qua một đồn canh nguy hiểm, lính đi lại trước cửa đồn suốt ngày đêm và có rất nhiều người do thám sục sao.

Trong lúc lo lắng nghĩ cách thoát thân, Cha gặp ông Chánh Tổng sở tại muốn ăn tiền. Cha nhờ ông dẫn đường, ông bằng lòng, thế là bắt đầu kế hoạch nghi binh. Trong hai ba đêm liền, ông cho quân của ông tuần tiễu qua đồn canh này, để lính trong đồn không nghi ngờ. Rồi vào một đêm tối trời, ông bảo Cha Giê-rôm che râu, đội nón, đi chân không, thắt lưng, xắn quần lên cao, lấy bùn đất bôi vào chân tay mặt mũi. Ông Chánh Tổng bệ vệ trên lưng ngựa hồng, còn Cha đóng vai tên hầu cầm đuôi ngựa chạy theo. Nhờ mưu kế này, Cha đến được làng Phúc Nhạc bằng an và thụ phong Giám mục ngày 5-5-1841.

Khi trở về, người đi theo Đức Cha bị bắt, nhưng dù quan tra tấn thế nào, người ấy vững vàng trung thành với chúa chiên của mình. Ông này được về, sau khi vua Minh Mệnh qua đời và vua Thiệu Trị lên ngôi.

Công việc đầu tiên của vị tân Giám mục là lo liệu có ngay một số linh mục để đối phó với tình thế gay go. Ngày 29-6-1841, người truyền chức cho Cha Gi- mơ-rô[6] (Liêm) làm Đức Cha phó địa phận, ở làng Cao Xá – Hưng Yên. Sau đó truyền chức cho 7 linh mục mới, nhưng với số linh mục ít ỏi này có là bao đối với một địa phận rộng lớn, nên Đức Cha vất vả suốt ngày đêm, rồi Đức Cha phó lại có lệnh từ giã Việt Nam về làm Giám mục địa phận Ma-ni-la, còn lại mình Người phải chèo chống trong cơn giông tố khủng khiếp. Dù thế Đức Cha không nản lòng. Vì cuộc cấm cách ngày càng gay gắt, Đức Cha phải bỏ tên “Vọng” là một tên quen thuộc với vua quan và đổi tên là “Liêm”.

Lợi dung thời cơ

Vua Minh Mệnh chết, vua Thiệu Trị lên ngôi, sự đạo được tạm yên, Đức Cha Giê-rôm lợi dụng cơ hội thuận tiện ấy sửa sang lại địa phận cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Người tu sửa các thánh đường bị tàn phá, mở trường dạy giáo lý, sắm các đồ lễ. Người cho mở các tuần đại phúc và đi tìm những chiên lạc. Người khuyên giáo hữu đọc kinh lần hạt chung để xin ơn bình an cho đất nước và cho Giáo Hội. Người chuộc lại các giáo dân còn bị giam cầm, đưa các tội nhân trở về đường ngay chính. Người lập lại tiểu chủng viện và đại chủng viện, sửa sang các nhà dòng để thu hồi các chị em đã bị phân tán.

Bảy năm đời Thiệu Trị, địa phận Người được mở mang, thêm số tân tòng, giáo dân siêng năng chịu các phép bí tích. Mọi người đều công nhận Đức Cha Giê rôm là nhà lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt trong thời cấm cách.

Những điềm báo chẳng lành

Vua Thiệu Trị qua đời, ngày 29-10-1847 thái tử Hồng Nhậm lên ngôi lấy hiệu là Tự Đức. Mới lên ngôi vua ban ân xá cho một số tù nhân có đạo, mọi người đều hy vọng Giáo Hội được bình an, nhưng đấy chỉ là cơn gió nhẹ nhàng làm cho ngọn lửa bắt bớ càng bùng cháy dữ dội hơn vì ngay năm 1848 lệnh cấm đạo đầu tiên được ban hành và tiếp theo đấy là những sắc lệnh ra năm 1851, 1855, 1857, 1859, 1860 ngày càng khủng khiếp.

Để đối phó với hoàn cảnh nghiêm trọng này, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã lập thêm nhiều địa phận Việt Nam. Địa phận Đức Cha Giê-rôm chia làm hai: một địa phận giữ tên cũ là Đông ký do người cai quản, còn địa phận mới là Trung ký do Đức Cha Mác-ti[7] (Gia). Toà Thánh cũng đặt Đức Cha An-ca-da[8] (Hy) làm Đức Cha phó địa phận Đông và Đức Cha Săng-giúyc-giô làm Giám mục phó địa phận Trung Ký. Ngày 1-4-1849 Đức Cha Giê-rôm tổ chức lễ truyền chức cho hai Đức Cha phó và bốn linh mục rất long trọng có mặt 8 Cha thừa sai, hầu hết các linh mục Việt Nam và rất đông đảo giáo dân của hai địa phận.

Rồi cứ theo ngày tháng, những nỗi cơ cực vất vả tăng thêm không ngừng. Một hôm Người đến Vĩnh Trị thăm Đức Cha Rơ-to, khi trở về Bùi Chu, giữa đường bị cướp hết đồ đạc, hai Thày giảng đi với Đức Cha bị bắt, Người phải năn nỉ cả ngày bọn cướp mới tha.

Năm 1856 người từ xứ Đông Xuyên đến kinh lược xứ Kẻ Nê và truyền chức cho 5 linh mục ngày lễ Sinh Nhật năm ấy, rồi đi xứ Đông Bài làm lễ Đặt Tên, đi Hữu Bằng làm lễ Ba Vua. Khi Người đi qua làng Rừa gần Hữu Bằng thì bị ông Chánh tổng Phương bắt cóc và giao người cho ông cai Nguyên, ông này đưa Người về nhà và cứ mỗi đêm lại giong người đi khắp làng, ông ra oai để muốn lấy tiền. Giáo dân phải cố gắng chạy 300 quan, nhận tiền rồi ông này sai con trai bắt đầy tớ khiêng Người bỏ ra ngoài chợ, lúc ra về chúng tức giận chửi rủa Người thậm tệ vì phải khiêng quá nặng. Sau khi trở về nhà, Người không quên gửi một quan tiền tặng tên đầy tớ đã thoá mạ Người, mấy ngày sau người này ngã chết tươi nên ai cũng sợ. Người cũng biếu con trai ông cai 5 quan tiền với lời cám ơn chân thành vì đã phải vất vả khiêng Người.

Lại một hôm, quan quân đến bao vây làng Đông Xuyên, nơi Người đang ẩn, giáo dân đưa Người xuống hầm sâu ẩm ướt khó thở, Người phải ở đó sắp chết ngạt, mà đây không phải là lần thứ nhất; nhiều khi kéo Người lên, Người đã xám ngắt, mấy giờ sau mới tỉnh.

Lại một lần nữa thay họ đổi tên

Theo sắc lệnh cấm đạo năm 1859, vua Tự Đức hứa thăng quan tiến chức cho những ai bắt được Tây dương đạo trưởng và với số tiền thưởng lớn là 300 lạng bạc, nên nhiều người rình mò bắt các đạo trưởng. Trước tình thế rất nguy hiểm này Đức Cha Giê-rôm với lần đổi tên thứ nhất là Liêm, bây giờ phải cải tên là Tuấn, đi đâu phải tàng hình, bôi mặt nhem nhuốc. Từ đây Người cũng không còn ở xứ Đông Xuyên được nữa, xứ này từ trước tới nay vẫn được coi là cơ sở bí mật của Toà Giám mục. Người phải thay đổi chỗ ở luôn, Người đến ẩn ở Trại Mòi xứ Đồng Xá, bị lộ, lại phải đến ẩn ở tiểu chủng viện Kẻ Mốt tỉnh Hải Dương ít lâu.

Đang khi ấy, Người đau buồn vì luôn được tin báo cáo các linh mục phải bắt và phải trảm quyết. Trong số này có thi hài của hai Cha Trang và Độ được đưa về táng trước nhà Người đang ở. Đem xác Cha Độ về Kẻ Mốt thì trời tối, giáo dân tắm rửa cho Cha và khâu đầu vào thân, rồi đặt Cha lên giường để giáo dân kính viếng.

Đức Cha Giê-rôm mặc phẩm phục Giám mục đến trước thì hài vị tử đạo và cảm động hỏi: “Thưa Cha, Cha có biết tôi đã truyền chức cho Cha không?” Cha Độ mở mắt nhìn Đức Cha cách âu yếm, Đức Cha xúc động nói: “Cha về thiên đàng trước, xin Cha nhớ bầu cử tôi được theo sau”. Đức Cha vừa nói xong, Cha Độ nhắm mắt lại.

Vua Tự Đức càng ngày càng phá đạo hơn, lúc ấy tàu Pháp đậu ở cửa bể Dầu Sơn gửi thư mời các Cha thừa sai xuống tàu lánh nạn. Đức Cha An-ca-đa đề nghị Đức Cha Giê-rôm mời các Cha thừa sài về Kẻ Mốt để bàn. Mọi người đồng ý tạm rút lui ra ngoại quốc, chỉ nên để một số ít ở Việt Nam. Đức Cha Giê-rôm là người có tên tuổi bị quan tầm nã nhất, vào số người phải rời bỏ Việt Nam, nhưng Đức Cha xin nài được ở lại và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đức Tin.

Sắc lệnh phân sáp

Năm 1861, vua Tự Đức ra một sắc lệnh rất dã man là “Phân sáp”. Theo sắc lệnh này, mọi người có đạo không phân biệt ai, phải sang ở làng bên lương, 5 người ngoại coi một người có đạo, các làng có đạo phải phá bình địa, đất chia cho các làng lân cận. Chồng đi một nơi, vợ đi một nẻo, con cái chia cho các người ngoại nuôi. Trước khi đi mọi người, dù trẻ sơ sinh, đều phải khắc vào má tên tổng, huyện, xã mình phải đến. Nhiều người đã chết ở nơi lưu đày. Trong sắc lệnh này vua ra không nhìn nhận người có đạo là người dân Việt Nam.

Sắc lệnh được đem ra thi hành, nhiều linh mục ngã lòng, giáo dân sầu khổ khóc lóc thê thảm. Đức Cha đau đớn viết một thư chung an ủi giáo dân.

Ngày 14-8-1861, Đức Cha rất khổ tâm khi phải giải tán tiểu chủng viện Kẻ Mốt và ngay đêm đó, chính Đức Cha cũng phải bỏ Kẻ Mốt trốn sang Thọ Đức ở trong một hầm sâu ngột ngạt.

Không bao lâu hầm này bị lộ, Đức Cha không còn nơi nào ẩn nấp trên đất. Một đêm khuya thanh vắng, Đức Cha bỏ hầm đi đến họ Thủy Cơ, Đức Cha xuống thuyền và Thày Giu-se Khang chở Đức Cha đến Hải Dương ở một khúc sông xa vắng.

Hãy phó thác mặc thánh ý Chúa

Ở đây Đức Cha gặp thuyền ông Trưởng Bính là người có đạo cho trọ. Mấy ngày sau Đức Cha Bê-ri-ô Ô-qua[9] (Vinh) và Cha An-ma-tô[10] (Bình) cũng theo đường thủy trốn về Hải Dương, tình cờ các ngài gặp nhau ở đây.

Ban ngày các ngài chia tay mỗi người một nơi, giả làm nghề chài lưới và để tìm dịp gặp gỡ giúp đỡ bổn đạo.

Gia đình ông Trưởng Bính tận tâm che chở Đức Cha Giê-rôm và Thày Giu-se Khang. Hai cha con tạm sống những ngày bình an cho đến một hôm xảy ra cuộc cãi cọ giữa cha con ông Trưởng Bính. Cậu con trai tức giận với cha mẹ đi tố cáo ông bà tội chứa Tây dương đạo trưởng. Ngày 21-10-1861, ông Đội Bằng đang làm Chánh tổng đưa người đến nhà bắt Đức Cha, Thày Khang định nhổ sào thuyền chống cự, nhưng Đức Cha can rằng: “Con đừng chống trả lại, hãy phó thác mặc thánh ý Chúa”.

Buổi chiều hôm ấy tại bến đò Cây Mít, người qua lại xúm xít chung quanh hai “tù nhân” bị trói ngồi dưới gốc cây. Đó là Đức Cha Giê-rôm và Thày Khang. Khi vào thành Hải Dương, trước cửa thành đã đặt tượng Thánh Giá. Đức Cha Giê-rôm nói: Nếu không bỏ Thánh Giá này đi, tôi sẽ không bước qua”. Lính bằng lòng. Hai cha con phải điệu ra trước công đường ngay. rồi quan truyền Đức Cha Giê-rôm vào cũi giam ở dinh quan Tổng đốc.

Hai hôm sau Đức Cha lại phải ra trước công đường và các quan cho Đức Cha ngồi trên một chiếc chiếu cạp vải đỏ. Các quan hỏi Đức Cha tên tuổi, quê quán, sang Việt Nam từ bao giờ, Đức Cha trả lời, nhưng khi hỏi đã ở những chỗ nào, Đức Cha đáp:

“Tôi nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, không có nơi nào nhất định.

– Ông có biết vua cấm Tây dương đạo trưởng vào giảng đạo không?

– Tôi biết.

– Tại sao ông không tuân lệnh?

– Tôi chỉ phải tuân lệnh vua khi lệnh đó không nghịch với đạo Thiên Chúa.

– Ông đem đạo tà mê hoặc dân Việt Nam. Theo lệnh vua ông sẽ phải xử tử.

– Đạo Thiên Chúa là đạo chính dạy người ta biết Đấng tạo thành vạn vật, tôn thờ một mình Đấng ấy và yêu thương đồng loại, để khi chết được lên trời hưởng hạnh phúc vô cùng. Một đạo như thế không phải là tà đạo. Tôi phải xử tử để chứng minh đạo này là một ơn phúc lớn cho tôi”.

Trước sự dũng cảm của vị tử đạo, các quan chịu phép, đành nhốt vào cũi, giam trong ngục.

Cũi chật hẹp, Đức Cha Giê-rôm ngồi, nằm không được, phải lom khom suốt ngày, xương cốt co rút, chân tay rã rời. Lính canh rất ngặt. Nhưng một đêm Chúa làm phép lạ, Đức Cha ra khỏi cũi mà lính canh không biết, người đi thăm an ủi các tù nhân, giảng đạo cho họ, trong số này có con trai ông Đội Bái được ơn Chúa theo đạo và được rửa tội ngay đêm ấy. Anh này cũng được chết một ngày với Đức Cha. Xong việc Đức Cha lại trở về cũi.

Ba tâm hồn, một của lễ

Chiều ngày 25-10-1861, Đức Cha Giê-rôm mệt nhọc đói lả thiếp ngủ trong cũi, bỗng giật mình tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng lính reo hò. Nhìn ra, Đức Cha thấy lính đang khiêng hai chiếc cũi tiến về phía mình, đó là cũi Đức Cha Ô-qua và Cha An-ma-tô. Ba đấng cảm động nhìn nhau, an ủi nhau và cầu nguyện chung với nhau, giúp nhau dọn mình đổ máu ra làm chứng Đức Tin.

Tổng đốc Hải Dương là người hiền lành, trông gương mặt phúc hậu của ba Tây dương đạo trưởng, ông không nỡ xử tàn nhẫn. Ông bắt lính phải cho các ngài ăn uống tử tế và không được vô lễ với các ngài.

Trái lại hẳn với Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng là người tàn ác. Nghe tin các Tây dương đạo trưởng bị bắt ở Hải Dương, ông thân hành đến tận nơi, dùng quyền bắt xử trảm quyết.

Ngày 1-11-1861, ba vị tuyên xưng Đức Tin phải xử ở pháp trường Năm Mẫu ngoại thành Hải Dương.

Cha Đi-ê dòng Thánh Đa-minh đã kể lại rằng:

“… Có tiếng đồn ra khắp tỉnh là sắp điệu ba Tây dương đạo trưởng đi xử. Dân trong thành tuôn ra xem rất đông. Các quan sắp 500 lính và ba voi xếp thành hai hàng, quan Giám sát đi giữa có hai người che lọng, sau ông là tù nhân con ông Đội Bái cũng phải xử vì có tội với nhà nước, rồi đến ba cũi tiếp theo, cũi thứ nhất là cũi Cha An-ma-tô, ngồi lần hạt đọc kinh sốt sắng, cũi thứ hai là cũi Đức Cha Ô-qua đang nguyện ngắm, cũi thứ ba là cũi Đức Cha Giê-rôm, Đức Cha ngồi nghiêm trang làm phép chúc sự lành cho dân chúng. Ai cũng lấy làm lạ vì nét mặt tươi vui của ba đấng…

“…Cuối cùng là các quan đi ngựa, đi võng, có lọng theo liền…

“…Đến nơi xử, lính mở cũi, ba Đấng ra ngoài quỳ gối, Đức Cha Giê-rôm xin cho phép cầu nguyện một lúc và xin xử người tù con ông Đội Bái trước vì muốn giúp anh ta được chết lành, rồi người giơ tay chúc sự lành cho các người chung quanh.

“… Ở đây đã trải sáu chiếc chiếu, bên trên có ba chiếc chăn thẳng hàng, mỗi đấng quỳ trên một chiếc. Lính trói ba đấng vào cọc, trói rất chặt, thịt tím bầm và rớm máu. Bấy giờ quan rao bản án như sau:

Tây dương đạo trưởng trá hình giảng đạo để cướp nước ta vì thế phải xử tử và đạo Gia-tô bị cấm.

Rồi dịch loa lớn tiếng: Hỡi toàn dân, nếu thấy ai tỏ vẻ thương xót hoặc thấm máu những người Tây này phải bắt ngay nộp quan.

“Ba hồi chiêng nổi lên, ba người lính chém đầu ba đấng cùng một lúc.

Quan truyền dân sở tại phải chôn xác ba đấng ngay ở pháp trường. Khi quan quân kéo về, cả giáo lẫn lương đều xông vào tranh nhau thấm máu, có quan còn sai đầy tớ thấm máu các vị tử đạo đưa về cho mình.

“Ba cái đầu đem bêu ở bến đò Hàn, có quân canh giữ, sau ba ngày sẽ bỏ xuống sông”.

Khi thấy mọi người kéo nhau về hết, một giáo dân lẻn ở lại lấy than rắc lên ba ngôi mộ vừa chôn vội vã để đánh dấu sau tìm cho dễ.

Đánh tráo ba cái đầu

Giáo dân muốn cướp lại đầu của các đấng đem giấu đi nhưng lính canh phòng rất cẩn mật.

Lúc ấy có ông Chánh tổng Oánh cảm với đạo, chính ông đang giấu một đạo trưởng người có tình trong nhà; ông đi ngang qua bến đò Hàn thấy đầu ba vị tử đạo trên cây, ông vội về báo tin cho bổn đạo xứ Yên Dật. Ông Trùm Can bàn với bà dòng Si nhờ ông Oánh chuộc lại đầu. Ông này bằng lòng và bàn mưu kế với Thày Tần. Ông làm cỗ mời bọn lính canh gác nơi ấy đến ăn. Bọn lính bằng lòng ngay, chúng gói đầu ba vị tử đạo cho vào sọt đem đến nhà ông Tổng Oánh để khi ăn xong sẽ bỏ xuống sông. Thừa dịp bọn lính uống rượu say khướt, một người lẻn vào lấy ba củ chuối đánh tráo ba đầu này, ông Oánh cởi áo đang mặc gói ba đầu lại vội vàng đem xuống thuyền đưa về Yên Dật.

Đêm ấy, tối đen như mực, nhưng thuyền của ông Oánh rực sáng bằng một thứ ánh sáng từ ba đầu của ba đấng tử đạo phát ra. Lạ hơn nữa là khi đi ngang qua thuyền khác ánh sáng ấy vụt tắt đi cho đến khi vượt qua mới lại rực sáng.

Áo gói ba đầu ấy của ông Oánh, bà dòng Si xin đổi bộ áo mới nhưng ông nhất định không bằng lòng. Sau ông dùng áo ấy để chữa cho ba đứa con khỏi bệnh đậu mùa và giúp nhiều người khác nữa.

Các dấu lạ

Một số người chứng kiến vụ xử này đã khai trước toà điều tra phong chân phúc rằng:

“Hôm xử ba đấng trời nắng như thiêu như đốt, bỗng nhiên râm mát lại khi đầu ba đấng rơi xuống pháp trường, rồi sau đó trời lại càng nắng gay gắt hơn.

Lúc lý hình vung gươm chuẩn bị chém thì từng đàn bướm trắng và những dây tơ trắng như bông tuyết bay lượn trên đầu các đấng. Giáo dân ở đấy cho là phép lạ mà tưởng như các thiên thần trên trời xuống rước linh hồn các đấng ấy về trời, còn lương dân thì ngạc nhiên cảm động. Vải thấm máu Đức Cha Giê-rôm soi lên mặt trời hay ánh đèn, người ta thấy hiện ra hình Thánh Giá in trên vải.

Năm Mẫu là khu tha ma, nhưng từ khi xử các đấng, người ngoại không dám chôn xác người chết nữa vì họ thường kháo nhau rằng: “Nơi này thiêng lắm, hồn người chết sẽ hiện về bắt đưa đi chỗ khác, nếu không sẽ gặp nạn”.

Người ta còn truyền tụng rằng: “Nếu trẻ con ốm mà lấy cỏ nơi đã thấm máu các vị tử đạo về cho uống, sẽ khỏi ngay”.

Còn theo lời các nhân chứng thì vải thấm máu Đức Cha Giê-rôm đem hòa với nước cho người ốm uống, người ấy sẽ khỏi bệnh. Cả đến dây trói, cọc đóng, gươm và các dụng cụ tra tấn các đấng mà giáo dân giữ làm kỷ niệm với lòng trông cậy đều được hưởng nhiều ơn lành hồn xác.

Cuộc cải táng

Mặc dầu đang bị phân sáp, giáo dân hai họ Thọ Ninh và Lai Tế họp nhau tìm cách lấy xác ba đấng về táng nơi xứng đáng, họ nhờ hai người ngoại đóng cọc làm dấu. Đêm giao thừa (Ngày 30 Tết Tân Dậu), họ đem theo lương ăn xuống ba thuyền đi Hải Dương, chẳng may gần bến đò Hàn gặp đoàn thuyền tải lương của ông Chánh Tổng xã Thượng Triệt, nên bị khám xét và tra khảo, họ phải nói thật. Ông Chánh tổng đòi 300 quan, họ chỉ có 100 quan, ông này giữ hai người lái thuyền có đạo và một thuyền ở lại làm con tin. Ngày mồng 3 Tết, giáo dân mới liệu đủ tiền.

Nhận tiền rồi, ông đích thân dẫn họ đến bến đò Hàn. Lúc ấy dân quanh vùng đã dậy thổi cơm, bổn đạo sợ nếu lấy không kịp ba xác trong đêm nay sẽ gặp nhiều trở ngại. Họ cầu xin ba đấng phù hộ, rồi bốn người được cử đến làm việc rất nhanh chóng.

Dù bị chôn dưới đất ba tháng mà xác các đấng vẫn nguyên vẹn. Mỗi xác được chở trong một thuyền. Từ bến đò Hàn về đến Thọ Ninh tính ra đi ngược dòng phải mất 9 tiếng, nhưng nhờ có phép lạ nên về đến nơi trời mới bắt đầu rạng đông, và dọc đường gặp thuyền đi tuần cũng trốn thoát bình an.

Giáo dân Thọ Ninh vui mừng, để mỗi xác vào một quan tài rồi chôn ở nhà giáo dân.

Khi sự đạo tạm yên, Đức Cha An-ca-đa đem ba đầu trước chôn ở xứ Yên Dật về Thọ Ninh để trong nhà nguyện nhà dòng Kẻ Mốt.

Xác Cha Giê-rôm sau được đưa về táng gần bàn thờ trong thánh đường Hải Dương, còn đầu người đưa về Bắc Ninh, và sau rước về quê người.

Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho Đức Cha Giê-rôm ngày 15-4-1906.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Delgado.

[2] Hénarès.

[3] Fernandez.

[4] Sanjurjo.

[5] Retord.

[6] Jimero.

[7] Marti.

[8] Alcazar.

[9] Berrio Ochoa.

[10] Almato.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn