Ngày 1/10: Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su – Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh, Lễ kính

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne d’Arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi. Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô: những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de l’Enfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”, và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12) . . . “Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân.”

Lời nguyện trong ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời “cho những người bé mọn”– cho chúng ta “biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác”. Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là “con đường nhỏ” mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa . . . Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng dược Ngài yêu thương.”

Điệp ca của bài Benedictus: “. . . hãy trở nên giống trẻ thơ” làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4): Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ . . . “Trẻ thơ” đối với thánh Têrêxa Lisieux là người “chấp nhận tất cả”, với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên: Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel: Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, “cái lạnh chết người”, tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi . . . “Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện …”, chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. “Ôi, con yêu Chúa … . lạy Chúa .. con yêu Chúa!” là những lời cuối cùng của chị.

Lời nguyện trên lễ vật gợi lên một khíab cạnh khác của hy tế thầm lặng trong “đời sống đơn sơ và can đảm” của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một “thương tích tình yêu” giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.

Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi: “Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo”, với “ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất . . .” Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng “mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái . . . Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa.” Sau cùng, đây là câu trả lời và là “sự yên nghỉ” đối với thánh Têrêxa: “Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả . . . Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con . . . ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con . . . trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu . . . như thế con sẽ là tất cả . . .” (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).

Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để “cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục”. Năm 1895, chị được cử làm “chị linh hướng” cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một “anh linh hướng”, cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo. Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày. Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d’Arc.

Enzo Lodi